Những sắc màu văn hoá đặc trưng
Từ ngày 19 đến 23.11.2020, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020”, tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, di sản văn hóa Việt Nam. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Nội dung triển lãm ảnh tập trung giới thiệu và làm nổi bật giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam với các nội dung: “Khám phá Việt Nam”, “Du lịch qua các lễ hội truyền thống Việt Nam”, “Thiên nhiên Việt Nam”. Nằm trong khuôn khổ hoạt động, mỗi tỉnh, thành phố tham gia không gian trưng bày sẽ mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của từng địa phương và những điểm đến du lịch du khách yêu thích. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Đặc biệt, khu trưng bày của Hà Nội với chủ đề “Du lịch Di sản Văn hóa Hà Nội” giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch, sản vật đặc trưng địa phương tiêu biểu; được thiết kế với không gian mở, mang tính truyền thống biểu tượng với điểm nhấn là mô hình Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó là các hình ảnh về di sản hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh như Hoàng Thành Thăng long, Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, làng cổ Đường Lâm, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề mây tre đan Phú Vinh; Hội Gióng, hát ca trù... Đồng thời những nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch gửi đến thông điệp: Hà Nội - điểm đến an toàn, hấp dẫn, thúc đẩy du lịch nội địa hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, tổ hợp trưng bày “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Khánh Hòa”, “Du lịch Di sản văn hóa Hà Giang”, “Quảng bá xúc tiến Du lịch Bắc Kạn”; “Văn hóa tộc người X-tiêng Bình Phước và di tích thắng cảnh tiêu biểu của Bình Phước”... giới thiệu đến khách tham quan qua các tư liệu, hình ảnh, ẩn phẩm, phát băng hình, trình diễn nghệ thuật dân gian...
Tôn vinh di sản văn hoá làng nghề
Cũng trong chuỗi hoạt động hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, mảng trưng bày di sản văn hóa nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cuốn hút đối với người xem. Phần triển lãm này trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tinh hoa của nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và nghệ nhân làng nghề Việt. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ văn hóa tâm linh thuần Việt, sản phẩm và quà tặng phục vụ du lịch; các kỷ lục Việt Nam của các làng nghề truyền thống và của các nghệ nhân đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.
Những sản phẩm được trưng bày nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần cần cù lao động sáng tạo trong các gia đình, các dòng họ cha truyền con nối, nuôi dưỡng tình yêu nghề truyền thống; những sản phẩm xuất sắc của các nghệ nhân trẻ nhằm sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới, công nghệ mới thân thiện với môi trường...
Trong chuỗi các hoạt động hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Lễ phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ IX. Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng Nghề Việt Nam, kỷ niệm 15 năm thành lập diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước sang thời kỳ mới của quá trình phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế. Cộng đồng làng nghề cũng bước sang thời kỳ mới để phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, tập trung nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị và nâng cao hàm lượng văn hóa trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiệp hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hướng về hội viên, về các hội làng nghề thành viên, làng nghề, làng nghề truyền thống với chủ đề: “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Hội nhập Quốc tế”.
Hương Mai 18/11/2020 | 08:14