Có nên đốt gốc cành đào?
Câu trả lời là không nên. Trong quá trình tác nghiệp tại vườn đào Nhật Tân, Hà Nội, những chủ vườn tại đây lý giải như sau: Khi đốt bằng lửa sẽ làm gốc đào bị cháy xém, không hút được nước và chất dinh dưỡng để nuôi cành. Từ đó khiến cành nhanh héo, hoa chóng tàn.

Theo các chuyên gia, đốt gốc đào là kinh nghiệm dân gian. Mục đích là để diệt vi khuẩn và nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm hạn chế nhựa chảy ra, tiêu hao dinh dưỡng... Dù vậy, đốt gốc cành đào cũng làm tắc mạch, hạn chế cho nước và chất dinh dưỡng đi nuôi cành.
Cách giữ cành đào tươi lâu
Đối với đào cành, gia chủ nên rửa thật sạch lọ và chuẩn bị nước sạch. Đào cần được cắm trong nước sạch, đặt nơi khuất gió và giữ ấm thì sẽ bền lâu. Bên cạnh đó, sẽ tốt hơn nếu gốc đào rửa sạch và được thay nước mỗi 2 - 3 ngày.

Đối với đào trồng, bạn cũng nên tưới đều đặn bằng nước sạch. Tuy nhiên do đào ưa khô nên không cần tưới ẩm quá sẽ dẫn đến úng và thối rễ.
Bổ sung thêm dinh dưỡng cho đào
Để bổ sung thêm dinh dưỡng nuôi hoa, bạn có thể bỏ vài viên B1 vào lọ (có thể dùng loại cho người uống hoặc mua B1 chống sốc cho cây sẽ tốt hơn). Một thành phần khác cũng nên tham khảo để bổ sung dinh dưỡng giúp đào tươi khoẻ là Kali.
Phương pháp điều chỉnh đào nở nhanh hay chậm
Thời tiết nóng ấm khiến đào nở nhanh hơn, để làm chậm lại quá trình này bạn chỉ cần khía nhẹ một vòng quanh thân cách gốc 10-15cm. Cách này sẽ hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa. Bên cạnh đó dùng nước lạnh để cắm hoa cũng là một giải pháp.
Đối với đào cây, rải một lớp sỏi quanh gốc sẽ có tác dụng làm mát gốc. Đặt đào ra ban công thoáng gió cũng giúp hạn chế hoa nở.

Ngược lại, cách để làm đào nở nhanh hơn là dùng nước ấm để cắm hoa. Kích thích đào cây bằng việc đắp vôi quanh gốc, hoa sẽ nở chỉ sau vài ngày.