“Tướng” ở đây không chỉ là tướng mạo mà còn là hành vi, hoàn cảnh mọi thứ xung quanh của người ấy. Cho nên, tâm của một người như thế nào thì hành vi và hoàn cảnh của người ấy cũng là như thế. Nếu trong tâm của người chứa đầy những điều lương thiện thì tự nhiên lời nói và việc làm của họ cũng sẽ giống như vậy. Người nào coi danh vọng, tiền tài và tình cảm của con người mới là nguồn gốc của hạnh phúc, thì từ lời nói và việc làm của họ đều sẽ thể hiện ra là họ đang theo đuổi mục tiêu này.
Tâm của một người ảnh hưởng đến cuộc đời người ấy như thế nào?
Trong cuộc sống, kỳ thực có rất nhiều vật chất vô hình, khiến con người phải tin tưởng trước và làm theo thì sau đó mới có thể nhìn thấy được. Rất nhiều những trường hợp trong cuộc đời, người ta đạt được mục tiêu là do trước tiên họ tưởng tượng ra.
Có một câu chuyện trong lịch sử kể về một người nghệ sĩ như thế này:
Trong thời thế chiến thứ hai, có một nghệ sĩ dương cầm bị quân địch bắt làm tù binh. Anh ta bị nhốt trong một cái cũi nhỏ suốt gần 7 năm liền. Sau 7 năm, cơ thể của anh ta đã bị hành hạ đến không còn ra hình người. Anh ta phải liên tiếp chứng kiến cái chết của các tù nhân khác ở xung quanh mình. Nhưng, trong tâm người nghệ sĩ dương cầm ấy luôn toát lên hy vọng sống sót.
Khi chiến tranh kết thúc, nghệ sĩ dương cầm đã được đưa trở lại quê hương của mình và anh bắt đầu một cuộc sống mới. Họ kinh ngạc phát hiện ra, tài nghệ và độ thuần thục chơi đàn piano của anh không những không suy giảm mà còn tinh xảo hơn trước rất nhiều.
Nghệ sĩ dương cầm đã kể với mọi người rằng trong suốt 7 năm tù, để vượt qua nỗi sợ hãi cực độ và cổ vũ bản thân tiếp tục sống, mỗi ngày anh đều chơi đàn trong trí tưởng tượng của mình. Việc chơi đàn trong trí tưởng tượng của anh quá sinh động và chân thật không khác gì động tác thực. Sau 7 năm, từng chi tiết nhỏ ấy anh đều nhớ kỹ không sai chút nào.
Hành vi phản ánh ra tâm tính
Một ngày nọ, Tô Đông Pha, một học giả nổi tiếng của Trung Hoa, lên chùa và ngồi thiền cùng vị thiền sư Phật Ấn. Một lúc sau, Tô Đông Pha mở mắt ra và hỏi thiền sư Phật Ấn: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của tôi ra sao?”
Thiền sư Phật Ấn nhìn khắp thân của Tô Đông Pha, sau đó gật đầu khen ngợi: “Ngài ngồi thiền trông giống như một vị Phật cao quý và trang nghiêm!” Tô Đông Pha nghe xong vô cùng mãn nguyện và rất hài lòng.
Ngay sau đó, nhà sư Phật Ấn cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy ta ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu cười thiền sư Phật Ấn, Tô Đông Pha bèn trả lời: “Tôi nhìn ngài ngồi quả giống như một đống phân bò!”.
Thiền sư Phật Ấn nghe xong chỉ mỉm cười mà không phản bác lại điều gì. Tô Đông Pha tự cảm thấy mình đã thắng được thiền sư một phen nên lấy làm vui mừng lắm.
Vừa về đến nhà, Tô Đông Pha phấn khích kể lại với em gái của ông là Tô tiểu muội. Không ngờ, Tô tiểu muội nghe xong đã chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười nhạo sự ngốc nghếch của ông.
Tô Đông Pha hiếu kỳ, khó hiểu hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Tô tiểu muội nói: “Nhà sư Phật Ấn vì trong tâm có Phật, cho nên nhìn huynh ngồi có hình dáng giống như một vị Phật. Còn trong tâm của huynh có đầy phân bò nên huynh mới nói nhà sư như vậy!”
Tô Đông Pha lúc này mới suy ngẫm và chợt hiểu ra điều mà Tô tiểu muội nói.
Bởi vậy có thể thấy, khi một người dùng lời nói, hành vi để chỉ trích người khác thì chưa chắc đã có thể chỉ ra được những vấn đề của người khác, nhưng nó chắc chắn có thể tiết lộ ra suy nghĩ trong nội tâm, tầm nhìn, cảnh giới tâm linh và tri thức của người chỉ trích. Rất nhiều khi, chỉ cần một lời nói và một hành vi có thiện ý sẽ khiến người nghe nhận ra thiếu sót và vui vẻ sửa chữa. Nó thực sự có giá trị gấp ngàn lần khi nói nhiều những lời chỉ trích.
Đó là bởi vì, nhân tâm của một người chính là tấm gương của người đó. Nếu trong tâm của một người tràn đầy từ bi và hòa ái, thì sẽ thiện giải được hết thảy nghiệt duyên trong mệnh của họ và hết thảy mọi thứ trong hoàn cảnh của người ấy cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.