Ông Lương Xuân Dán, xã Trung Sơn (Yên Sơn) dạy các cháu hát bài Then Tày lời mới
Mạch nguồn không vơi cạn
Giai điệu dân ca là tiếng lòng, lời tâm tình, là mạch nguồn văn hóa không bao giờ vơi cạn của đồng bào miền núi xứ Tuyên. Nếu người Tày có Then, Cọi; người Dao có Páo dung; người Cao Lan có Sình ca; người Nùng có Sli thì người Sán Dìu có Soọng cô... Theo dòng chảy thời gian, những khúc dân ca ngọt ngào ấy vẫn luôn được cộng đồng các dân tộc có ý thức giữ gìn, lưu truyền.
Để bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh duy trì trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 16 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... Đặc biệt, toàn tỉnh có hiện có hơn 100 nghệ nhân làm nhiệm vụ trao truyền, duy trì hát các làn điệu dân ca ở cơ sở. Bên cạnh giữ gìn, truyền dạy thì các nghệ nhân chính là những người tích cực tham gia đặt lời mới cho làn điệu dân ca.
Nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, lời cổ của dân ca vô cùng quý nhưng hạn chế về số lượng bài. Để làm phong phú đa dạng, góp phần vào việc bảo tồn dân ca thì phải làm lời mới để nhiều người hát được.
Rõ ràng đây là một hướng đi hợp lý bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian. Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng khẳng định rằng, khi ngôn ngữ, sinh hoạt thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi. Để di sản “sống khỏe trong đời sống đương đại thì cần có những yếu tố phù hợp với đời sống mới”.
Hằng năm, cuộc thi đặt lời mới cho các làn điệu dân ca Việt Nam vẫn thường xuyên được tổ chức rộng rãi. Điển hình như: Bắc Ninh với Cuộc thi đặt lời mới quan họ, Hà Tĩnh với Cuộc thi đặt lời mới cho dân ca ví dặm, Quảng Nam với Cuộc thi sáng tác lời mới cho dân ca bài Chòi... Đặc biệt, những năm qua tại trường học, âm nhạc dân gian đã được đưa vào chương trình giảng dạy.
Ở tỉnh ta, các địa phương luôn khuyến khích nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tích cực truyền dạy, đặt lời mới cho dân ca Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu... Tại các trường học, thành lập các Đội văn nghệ hát dân ca. Thầy giáo Lê Tuấn Ngọc, giáo viên dạy Âm nhạc, trường THCS Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, dân ca là “chất liệu” chuyển tải nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm của mỗi người. “Muốn yêu Tổ quốc mình, phải yêu những khúc hát dân ca”.
Toàn tỉnh có khoảng 56 câu lạc bộ hát Then, đàn tính trong trường học. Các câu lạc bộ tích cực luyện tập, tham gia các cuộc thi, hằng năm đều mời các nghệ nhân đến truyền dạy. Bên cạnh các bài Then cổ thì các nghệ nhân lồng ghép dạy Then mới với giai điệu vui tươi, gần gũi cuộc sống tạo hứng thú cho các bạn trẻ.
Sức sống mới cho dân ca
Dân ca miền núi được bà con ví von như cây đa nhiều cành, nhiều nhánh lan tỏa, bám rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Những làn điệu ấy bắt nguồn từ sáng tạo dân gian và theo dòng chảy đời sống, những làn điệu ấy được biến chuyển thích nghi với đời sống mới. Với sự gần gũi, giản dị của dân ca, từ các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ hay người dân đều có thể sáng tác, đặt lời mới.
Ông Lộc Minh Tân, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang là người có “vốn liếng” Then Tày khá dày dặn, bao gồm sưu tầm trên 300 bài hát cổ và khoảng hơn 100 bài hát tự sáng tác lời mới. Ông từng bước “nhân vốn” ra cho bà con qua các buổi tập văn nghệ. Nhiều bài hát không chỉ được các nghệ nhân trong tỉnh biểu diễn mà con được các nghệ nhân Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng... thể hiện. Điển hình như: “Na Hang tươi đẹp”, “Côn Lôn đổi mới”, “Bản em ngày mới”..., trong đó bài “Na Hang tươi đẹp” được đội văn nghệ Lăng Can biểu diễn, giành được tiết mục xuất sắc tại Cuộc thi hát Then, Tính tẩu toàn tỉnh năm 2014.
Ông Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn) dạy người dân hát làn điệu Páo dung do mình sáng tác
Nói về kinh nghiệm của mình, ông Tân chia sẻ, người đặt lời mới cho Then Tày vừa phải am hiểu làn điệu Then vừa có khả năng sử dụng vốn từ một cách phong phú. Bản thân ông thường sáng tác thơ ở thể loại 7 chữ, mỗi câu đều phải sử dụng nhuần nhuyễn vần điệu, luật bằng trắc thì mới dễ dàng chuyển thể sang giai điệu dân ca được.
Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức là người dành cả cuộc đời tâm huyết với văn hóa Tày. Bên cạnh sưu tầm, nghiên cứu về Then Tày thì ông cũng chính là “nhạc sỹ” sáng tác khoảng gần 200 lời mới cho Then Tày. Ông bày tỏ, ở Tuyên Quang có rất nhiều tác giả say mê đặt lời mới cho dân ca Tày. Điển hình như: Nghệ nhân Hà Phan, nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn (Chiêm Hóa), Nguyễn VũPhan, nguyên Quyền
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm (Na Hang)... Chủ đề sáng tác lời mới khá phong phú, trong đó xuyên suốt là mạch nguồn xúc cảm về tình yêu quê hương, làng bản với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi, lối tư duy theo mạch thẳng, dễ hiểu và thân thuộc: “Lâm Bình ơi, có đâu xa vời/Hoa nở thơm ngát giữa mùa xuân/Gió lộng ngạt ngào nắng chiều tím biếc/Mây trắng vờn quanh quanh bản làng” (Đường về Lâm Bình).
Theo thời gian, những làn điệu Páo dung được đặt lời mới bắt nhịp đời sống hiện đại. Ở Tuyên Quang, hiện nay có nhiều tác giả vẫn say sưa sáng tác như: Bàn Xuân Triều (TP Tuyên Quang), Chu Tuần Ngân (Yên Sơn), Phàn Văn Phú (Hàm Yên)... Ông Bàn Xuân Triều chia sẻ, người Dao có tư duy mạch thẳng nên trong lời Páo dung cũng vậy. Ông lựa chọn cách diễn đạt bằng hình ảnh trực quan sinh động, theo cách cảm, cách nghĩ của đồng bào, dùng sự vật thân quen gần gũi liên tưởng cảm xúc của mình.
Đó là những lời ca giao duyên người Dao, người đọc nhận thấy các cung bậc tình cảm diễn ra nhẹ nhàng: “Quay chân lui bước nước mắt rơi/Chẳng biết khi nào mới gặp gỡ/Gặp gỡ một lần nhớ vạn lần/Mong khi hội ngộ vẫn duyên này/Nhàn rỗi một mình lòng chẳng vui/Ra vào thường thường được thấy nhau/Ước gì hóa thân thành lá dong/Cho nàng gói muối, ngọt bốn mùa”.
Các bài hát Páo dung đều xuất phát từ những câu vần vè 7 chữ nên tác giả Bàn Minh Đoàn (TP Tuyên Quang) thường sử dụng thơ của mình để hát và cùng phổ biến cho bà con dân tộc Dao: “Tài lậu hụi hành phiệm chuộng xhía/Chuổng xhía kjea tuông trỡi mụi nhoàng/Truổng xhía nhoàng kjea jủm hền trải/Phơi kjuỗi thông nan xháng loàng” (Dịch thơ: Muốn đi đường lớn lòng còn ngại/Còn ngại anh em ngại cả nhà/Ngại rằng nhà ta không đồng ý/Để lại biết bao tiếng xấu xa).
Chính những lời ca gần gũi, phù hợp với cách cảm cách nghĩ của con người trong thời đại mới, tạo được sức hấp dẫn cho thế hệ trẻ. Em Bàn Thị Nhị là hạt nhân văn nghệ ở xã Yên Phú (Hàm Yên). Em Nhị chia sẻ, làn điệu Páo dung truyền thống rất mượt mà nhưng vẫn có một số lời bài khó thuộc, khó hiểu. Vậy nên khi được hát và biểu diễn làn điệu, ca từ mới em cảm thấy rất thân thuộc, dễ cảm nhận và hát: “Quê em ngày xưa hoang vắng/Nghèo đói tăm tối bủa vây bản làng/Toán cướp hoành hành bắt bò, trâu vô cớ/... Ơn Đảng, Bác Hồ soi dẫn đường chỉ lối/Trung Minh giờ ánh sáng mở rộng khắp muôn nơi/Cơm no, áo ấm, bản làng bình an/Rừng xanh rì rào tiếng chim hót ngày đêm...” (Quê em đổi mới sáng tác Chu Tuần Ngân).
Theo sự thích nghi với cuộc sống mới, không chỉ làn điệu Then Cọi của người Tày, Páo dung của người Dao mà Soọng cô người Sán Dìu, Sli của người Nùng cũng được “nhạc sỹ” dân gian sáng tác lời mới, tạo nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc. Người miền núi có: “Ruộng cũ cày sâu sẽ thành ruộng mới...”. Việc đặt lời mới cho các làn điệu dân ca đã mở thêm con đường để âm nhạc dân gian có sức sống lâu bền, trường tồn theo thời gian.