Cũng theo ông Chanh, năm 2018, nhận thấy địa phương còn nhiều đất trống bỏ hoang nên ông đã tìm đến Hơp tác xã Hương Nghiệp tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu thêm về cách trồng và chăm sóc cây sả Java rồi đưa về trồng thử nghiệm.
Lứa đầu trồng đạt hiệu quả tốt nên ông Chanh tiếp tục lấy thêm giống về trồng trên 7 ha. Do điều kiện cơ sở vật chất chưa có nên khi thu hoạch, ông Chanh đưa số sả thu hoạch được chuyển sang chế biến lấy tinh dầu ở Hợp tác xã Hướng Nghiệp, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Thấy được hiệu quả của việc trồng sả Java, ngay trong năm 2018, ông Chanh đã đầu tư vốn mua giống về vận động bà con cùng trồng sả thay cho trồng ngô, trồng sắn. Đến nay, tổng diện tích trồng sả tại huyện Trạm Tấu là trên 40 ha tại các thôn Ban Dê, Khấu Ly, Giàng La Pán, Tồng Ghênh của xã Bản Mù và 5 hộ tại thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu. Điều đáng nói là hiện nay nhiều hộ gia đình ở huyện Trạm Tấu đều đã muốn trồng cây sả trên đồi thay cho cây ngô, cây sắn.
Năm 2019, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, công trình nhà xưởng chưng cất tinh dầu sả của Hợp tác xã Hương Chang được xây dựng tại thôn Trông Dềnh, xã Bản Mù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất 1 tấn lá khô/nồi. Trung bình mỗi lần nấu thu được 200l tinh dầu.
Anh Lò Văn Thành, thành viên Hợp tác xã Hương Chanh, trú tại Bản Lìu 2, thôn Lìu 2 cho biết, sả là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, tốn ít công chăm sóc và chỉ trồng sau 3 đến 5 tháng là được thu hoạch. Trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 9 đến 10 năm, chỉ phải làm cỏ năm đầu, đặc biệt, không phải dùng phân bón và thuốc hóa học. Nếu như thu nhập từ trồng ngô, lúa nương đạt 6 triệu đồng/ha thì trồng sả cho thu nhập 35 đến 45 triệu đồng/ha. Như vậy, hiệu quả kinh tế ở cây sả so với các loại cây trồng khác là khá cao.
Thời gian tới, Hợp tác xã Hương Chanh dự kiến mở rộng diện tích sang các xã như: Xà Hồ, Bản Công, Trạm Tấu lên khoảng từ 50 đến 200 ha. Để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các hộ thành viên, nông dân tham gia.
Đồng thời, ký hợp đồng liên doanh, liên kết mang tính ràng buộc trách nhiệm của các bên như: 3 hợp tác xã cùng bỏ tiền mua giống sả Java, cấp miễn phí cho bà con trồng và có trách nhiệm thu mua 100% lá sả sản xuất ra. Đối với bà con đã ký hợp đồng và nhận giống về trồng mà tự phá bỏ thì phải bồi thường cho hợp tác xã 100% giá trị giống đã đầu tư.
Cây sả Java hay còn gọi là sả đỏ có mùi thơm cay, được sử dụng trong xà phòng, chất chống côn trùng (muỗi), thuốc xịt côn trùng,… cũng như các chất khử trùng trong gia đình. Phần lớn loại sả này được sử dụng để chiết suất tinh dầu. Tinh dầu sả Java có mùi sả cay nồng và được dùng để sát trùng, đuổi muỗi...