KINH TẾ THẾ GIỚI HẬU COVID VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Đến ngày 24 tháng 4 năm 2020, trên toàn cầu, dịch Covid-19 đã gây trên 2,714 triệu ca lây nhiễm, cướp đi mạng sống của 190.395 người. Điều quan ngại là tỉ lệ lây nhiễm và số người chết đều rất cao ở những nền kinh tế phát triển.

Hoa Kỳ nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm tới 32,4% số ca nhiễm bệnh và trên 26,1% ca tử vong. Tiếp sau Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Anh là những nước đang dẫn đầu thế giới với số người lây nhiễm từ 138.078(Anh),189.973 (Ý) đến 878.974 (Mỹ). Đại dịch COVID-19 gây hậu quả chưa từng có trong lịch sử thế giới. Ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận xét, do tác động còn kéo dài của đại dịch, tăng trưởng quý II/2020 sẽ không còn khả quan như quý I, nhiều khả năng tăng trưởng cả năm không đạt được mục tiêu quốc hội đặt ra.

Đòn  tấn công của đại dich Covid-19 và những thay đổi kinh tế thế giới

Trước cuộc họp khẩn cấp của nhóm G20 vào hạ tuần tháng 03 năm 2020, các nhà kinh tế của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã dự báo, trong nửa đầu năm 2020, kinh tế thuộc nhóm nước này chịu cú sốc chưa từng có với mức tăng trưởng âm và sẽ kéo dài trong suốt cả năm  trước khi phục hồi vào năm 2021.

Theo Moody’s, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nhóm G20 năm 2020 sụt giảm 0,5%. Trong đó, Hoa Kỳ giảm 2%, khu vực đồng euro giảm 2,2%. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 3,3%, là mức thấp  kỷ lục đối với quốc gia này. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo GDP của Hoa Kỳ sụt giảm 3,8%; còn ngân hàng Deutsche Bank không loại trừ khả năng nền kinh tế này sẽ bị suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Tại châu Âu, bộ trưởng Kinh Tế Đức dự báo kinh tế trong năm 2020 sẽ suy giảm đến 5%. Tổng thư ký của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) Angel Gurria còn bi quan hơn với dự báo kinh tế thế giới còn bị suy thoái trong nhiều năm (Thanh Phương 2020).

Nhiều nhận định cho rằng, khủng hoảng diễn ra lần này nặng nề hơn so với năm 2008, vì không chỉ hệ thống tài chính thế giới, mà toàn bộ nền kinh tế thực (real economy) đều bị ảnh hưởng sâu rộng với hàng trăm triệu lao động phải nghỉ việc, tự cách ly tại nhà, khiến sản xuất suy sụp và mức cầu cũng sụt giảm theo. Những lĩnh vực chịu tổn thất nặng nhất được cho là giao thông, du lịch, phân phối hàng hóa. Chỉ có số ít ngành liên quan đến thiết bị và sản phẩm y tế, kinh doanh thực phẩm và thương mại trực tuyến là được hưởng lợi.

Một hệ lụy khác của dịch virus corona là thất nghiệp tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu với tỷ lệ được dự báo vào cuối tháng 6 sẽ lên tới 12%, có nguy xóa sạch thành quả mà các nước khu vực đạt được trong 7 năm qua. Tại Hoa Kỳ, nơi người làm việc theo hợp đồng dài hạn dễ bị sa thải, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ còn tăng với  tốc độ «chóng mặt».

Để đối phó với tác động kinh tế của dịch Covid-19, nhiều nước đã đề ra những kế hoạch để  huy động đến hàng trăm, ngàn tỷ đôla. Tại Hoa Kỳ, Thượng Viện đã nhất trí thông qua kế hoạch « lịch sử » huy động 2.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Đức là quốc gia từng chịu thắt lưng buộc bụng nhiều năm để kiềm chế thâm thủng ngân sách, nhưng các đại biểu Quốc Hội cũng đã không ngần ngại thông qua kế hoạch sử dụng gần 1.100 tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế. Nhiều nước thậm chí còn trợ cấp thêm tiền cho người dân để kích thích tiêu dùng, Ở Mỹ, mỗi gia đình có hai con sẽ nhận được một ngân phiếu trị giá 3.000 đôla; Hồng Kông cũng làm tương tự, phát hơn 1000 đôla cho mỗi cư dân ở đặc khu hành chính này. Tại các nước châu Âu, nhiều nhà kinh tế đã đề nghị Ngân Hàng Trung ương tặng cho mỗi công dân thuộc EU1.000 euro để mua sắm, kích cầu. Có thể nhận dạng tác động của đại dịch và xu hướng ứng phó của các quốc gia trong từng khu vực sau đây:

Khu vực Đông Bắc Á với những ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc

Đại dịch Covid-19 khởi nguồn vào tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã đẩy nền kinh tế của quốc gia này vào những thảm họa với mức tăng trưởng ba tháng đầu 2020 rơi xuống số âm. Chuyên gia người Pháp Jean-François Dufour, Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse thận trọng cho rằng, đây mới là «khúc dạo đầu » của  những đòn Covid-19 tấn công. Cú sốc bất ngờ này cuốntrôi gần 7 điểm tăng trưởng trong năm, là mức sụt giảm tăng trưởng tệ hại nhất của Trung Quốc, kể từ năm 1976 đến nay.

Ngay từ đầu năm 2020, đất nước Trung Hoa đã phải chính thức đương đầu với một loại virus chủng mới. Nhiều nhà máy của vùng công xưởng lớn nhất thế giới này đã lần lượt đóng cửa. Nhiều cơ sở sản xuất của thành phố Vũ Hán cũng như ở các tỉnh xung quanh, thậm chí là ở Thủ đô Bắc Kinh hay Thượng Hải đã phải dừng hoạt động. Không ít kế hoạch mua sắm, du lịch,văn hóa đón năm mới bị hủy bỏ; các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bị đóng băng, những chuyến bay quốc tế thưa dần rồi giảm xuống đến mức tối thiểu….Trung tuần tháng 4 năm 2020, giới chức Trung Quốc đã chính thức thông báo, tăng trưởng GDP ba tháng đầu năm sụt giảm 6,8 %.(Thanh Hà 2020)

Chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics tại Luân Đôn cho rằng « giai đoạn đen tối nhất đã qua », nhưng Giám đốc điều hành cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour lại thể hiện mối quan ngại khi nhìn nhận, toàn cảnh ảm đạm trong ba quý đầu năm mới chỉ là «đợt sóng đầu tiên »kinh tế Trung Quốc sẽ còn phải đón nhận nhiều thử thách khác trước nguy cơ dịch bệnh tái phát. Ông cho rằng: ”…Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thấm đòn virus corona… khu vực sản xuất không chỉ ở Vũ Hán mà của cả Trung Quốc đã bị đóng băng. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu khi guồng máy sản xuất bị tê liệt ….

Theo các nhà phân tích, ngay cả khi các sinh hoạt của Trung Quốc trở lại bình thường, phần lớn dân cư vẫn phải tránh né các khu đông người, ít lui tới các quán ăn, trung tâm thương mại và càng tránh xa những địa điểm vui chơi, giải trí…  Không chỉ có vậy, đến khi Trung Quốc mở cửa lại các nhà máy sẽ đến lượt châu Âu, châu Mỹ rồi châu Phi chìm vào khủng hoảng y tế và những quốc gia ở các châu lục này cũng sẽ rơi vào tình trạng bị phong tỏa….

Khác với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, lần này Chính phủ Trung Quốc không ồ ạt huy động ngân sách để cứu nguy nền kinh tế. Trong lúc Nhật Bản, Pháp và những nền kinh tế hàng đầu phải tung ra những gói kích cầu tương đương từ 15% đến 20% tổng sản phẩm nội địa để khắc phục hậu quả kinh tế, Trung Quốc mới chỉ đặt ra một số tiền tương đương với 3 % GDP, khiến nhiều nhà phân tích hoài nghi cho rằng, có lẽ Bắc Kinh không còn nhiều phương tiện tài chính như hơn chục năm trước đây !.

Ngoài những ẩn số tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, thất nghiệp dẫn đến bất ổn trong xã hội, vấn đề khác nổi lên là khả năng đầu tư nước ngoài lần lượt rút khỏi Hoa lục. Về chủ đề này, nhà Trung Quốc học, Giáo sư Stéphane Corcuff ở trường Khoa Học Chính Trị Lyon, cho rằng,  Covid-19 là cơ hội để phương Tây xét lại chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất toàn cầu,có thể họ sẽ tái tạo lại một trật tự thương mại,trong đó Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm của mạng lưới mậu dịch thế giới.

Khu vực châu Âu tác động của đại dịch đối với những nền kinh tế phát triển

Dịch virus Covid-19 bùng phát và hoành hành dữ dội tại châu Âu từ tháng 3 năm 2020 . Sau Ý, Tây Ban Nha đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai với số nạn nhân tăng vọt hơn 30%. Vào hạ tuần tháng 3, bộ Y Tế Tây Ban Nha cho biết, trong vòng 24 giờ của ngày 22 đã  có 1.326 ca tử vong mới, trong cả nước đã có 24.926 người nhiễm bệnh, tăng gần 25% trong vòng một ngày. Với con số này, Tây Ban Nha đã trở thành ổ dịch lớn thứ ba thế giới. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, vào ngày 21 tháng 3 đã có 16.662 ca nhiễm bệnh, tăng thêm.705 ca so với ngày hôm trước và số tử vong tăng thêm 16 người. Tại Anh, dịch bệnh lây lan đã làm 177 người chết buộc Chình phủ phải khẩn cấp yêu cầu trên 1,5 triệu công dân và những người ốm yếu phải cách ly tại nhà trong vòng 3 tháng và việc cung ứng nhu yếu phẩm, thuốc men sẽ được giao đến tận nhà.

Tại cộng đồng châu Âu, sau Đức Pháp là nền kinh tế lớn thứ 2, dịch bệnh bùng phát đẩy kinh tế nước này trước nguy cơ tăng trưởng âm. Trong cuộc chiến “dịch tễ chống virus corona”, Bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire coi đây là “một cuộc chiến kinh tế và tài chính, lâu dài và dữ dội”, buộc Chính phủ phải chuẩn bị dự luật tài chính sửa đổi cho năm 2020.

Hàng hàng loạt biện pháp đã được nghiên cứu để đối phó với tác động bất lợi của virus đối với nền kinh tế. Trước hết Chính phủ đã phải huy động ngay 45 tỉ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động,…Thông qua ngân sách của bộ Lao Động, Chính phủ Pháp đã phải gánh chịu toàn bộ chi phí thất nghiệp bán phần cho các doanh nghiệp bị dịch Covid-19 tác động. Ngoài ra, Nhà nước còn phải lập một quỹ không dưới 1 tỉ euro, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, người tự kinh doanh, người lao động độc lập có doanh thu dưới 1 triệu euro và bị mất 70% doanh thu. Nhằm ngăn chặn tình trạng; doanh nghiệp phá sản và sa thải hàng loạt lao động, Nhà nước sẽ đứng ra bảo lãnh khoản tín dụng 300 tỉ euro giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vì hoạt động kinh tế và sản xuất đình trệ. (Thu Hằng 2020)

Khu vực Bắc Mỹ với nền kinh tế Hoa Kỳ

Đại dịch Covid-19 đã làm điêu đứng nền kinh tế nước Mỹ. Dịch bệnh lan rộng ở tất cả các tiểu bang đã gây tác động kinh tế nghiêm trọng trên toàn đát nước; làm mất đi chuỗi tăng trưởng đều đặn diễn ra trong hơn 10 năm qua. Nhiều doanh nghiệp bị tê liệt hoạt động; những ngành như dệt may hay thương mại khó có khả năng vực dậy và GDP cả nước sụt giảm mạnh. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể thiệt hại đến 1.500 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế của Đại học New York,Thomas Philippon cho rằng, điều đáng lo ngại  nhất là tình trạng thất nghiệp. Chính quyền Liên bang không có những biện pháp cần thiết và đúng lúc trong sắp xếp việc làm; hàng triệu lao động tạm thời có nguy cơ mất việc. Những nghiên cứu của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng vượt mức 6%. (Minh Anh 2020)

Lo ngại trước những tác động kinh tế do dịch virus corona gây ra, tổng thống Mỹ dường như muốn hướng đến việc mở lại nhà xưởng bất chấp các khuyến cáo của giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trở lại có nguy cơ dẫn đến bùng nổ những ca nhiễm bệnh trong khi đất nước đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ nhiều năm trước, người lao động tự do và làm thuê trong các doanh nghiệp nhỏ đãphải chạy ăn từng bữa hoặc chỉ có được mức sống rất hạn chế. Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều khả năng những đối tượng này không thể tồn tại lâu dài trong khi họ lại chiếm một số lượng đáng kể trong xã hội. Khi đại dịch Covid-19 mới chớm bắt đầu, Chính phủ Anh và nhiều nước khác đã muốn “bơm” nhiều tiền vào các dịch vụ y tế, trợ cấp tiền lương để hỗ trợ những người lao động tự do và những doanh nghiệp nhỏ là nhằm cứu vãn tình hình trước khi đại dịch bùng phát.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi; các doanh nghiệp sẽ phải giảm cung cấp nhiều hàng hóa cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi dịch Covid-19 và cần có thêm nhiều nguồn tiền bổ sung đổ vào hệ thống y tế của nhiều quốc gia để có thể cầm cự tốt hơn với đại dịch lần này. Tuy nhiên, vẫn cần có một chiến lược hành động thích hợp ví điều kiện cụ thể của từng quốc gia

Vấn đề đối với Việt Nam, những điều trăn trở

Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt và là một trong số ít những nước kiểm soát dịch bệnh khá thành công. Mặc dù là một quốc gia mạnh về thương mại và du lịch trong khu vực; nhưng cho đến nay, số ca nhiễm bệnh trong cả nước đã được khống chế ở 268 trường hợp và chưa ghi nhận tử vong nào liên quan tới COVID-19. Trưởng Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Uosmane Dione cho rằng, trong ứng phó với Đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã được triển khai hiệu quả nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin.

Với mức độ người dân sử dụng điện thoại di động vượt quá 100% và mạng Internet chiếm70%, những thông tin và cảnh báo của nhà chức trách về các biện pháp phòng chống dịch  Covid đã kịp thời chuyển đến người dân thông qua cập nhật trên các trang web và mạng xã hội. Nhiều ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế và theo dõi tình hình dịch bệnh cũng được sử dụng rộng rãi (Ousmane Dione 2020).

Giới nghiên cứu nhận xét, sau đại dịch COVID-19, nội dung quan trọng của chặng đường phát triển của mọi quốc gia là xây dựng nền kinh tế không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn chịu đựng được những cú sốc với khả năng thích ứng nhanh trong môi trường mới.Vấn đề đặt ra là, Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình kinh tế nào sau đại dịch.

Theo các nhà phân tích, điểm mấu chốt của mô hình phát triển Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc cả về kinh tế, tài chính, thiên tai, dịch bệnh và có khả năng thích ứng ngay cả khi những cú sốc trở nên thường xuyên hơn. Để có được nền kinh tế như vậy, tăng trưởng toàn diện, đảm bảo an ninh lương thực,năng lượng,môi trường và an sinh xã hội sẽ là những yếu tố mang tính quyết định.

Từ góc nhìn khu vực và thực tiễn Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Nguyễn Minh Cường cho rằng, trong lúc nền kinh tế thực dựa trên các mối quan hệ trực tiếp giữa người và người bị gián đoạn, thì nền kinh tế số, dựa trên các mối tương tác thông qua mạng Internet, đã phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử, dịch vụ phân phối, giáo dục, các hoạt động giao tiếp kinh doanh ….Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 có thể đạt 4,8%, là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á.

Trên thực tế, nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển ngay trước đại dịch COVID-19 bùng phát. Những cơ sở vật chất nền tảng số được hình thành và phát triển đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có hạ tầng viễn thông hàng đầu trong khu vực. Đây là "cú hích" thúc đẩy. giúp Việt Nam sớm định hình nền kinh tế số trong tương lai.

Xuất phát từ thực tế đất nước, các nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong quý II GDP chỉ tăng khoảng 2% và xuất khẩu được dự báo giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế có khả năng phục hồi từ quý III/2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia  nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã gây khủng hoảng kinh tế chưa từng có và điều nguy hiểm là diễn biến của dịch rất bất ngờ, khó dự báo.

Do độ mở rộng của nền kinh tế, mức độ kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu và những biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng cũng dẫn đến khó phục hồi ngay nền kinh tế khi đại dịch còn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, cần đánh giá đúng tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực trong kinh tế đất nước; đồng thời với nghiên cứu dự báo những xu thế, cơ hội phát triển và xác định những động lực mới cho tăng trưởng. Trên cơ sở đó, đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới; sớm hình thành các kịch bản“vực dậy” nền kinh tế và cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương và các khu vực doanh nghiệp (Thanh Hằng 2020) .

Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm đối với tiến trình chuyển đổi số. Nỗ lực xây dựng nhiều hệ thống Chính phủ điện tử,  như Cổng Dịch vụ công Quốc gia hay Trục liên thông văn bản quốc gia, cùng nhiều sáng kiến khác đang được thực hiện để đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống này trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam cũng đang xem xét các phương thức nhằm phát huy tiềm năng của công nghệ thanh toán điện tử trong Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau đại dịch, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận đầy đủ thông tin và các chính sách hỗ trợ để vận dụng trong điều hành từ xa, hướng tới số hóa quản trị và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh... Nền tảng này sẽ góp phần hình thành chuyển đổi số cho SME Việt Nam và xây dựng cộng đồng doanh nhân số.

Thay lời kết luận

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng với "những cú sốc chưa từng có" sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại sau đại dịch COVID-19.

Giáo sư tài chính quốc tế Carmen Reinhart củả Đại học Harvard cho rằng, vấn đề lợi ích và chi phí đặt ra sẽ gia tăng thêm mối nghi ngờ về chuỗi cung ứng toàn cầu. cũng như lo lắng về khả năng phục hồi các mặt hàng thiết yếu

Người nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, Giáo sư Joseph Stiglitz ghi nhận, cùng với hệ thống tài chính toàn cầu với triển vọng dài hạn và khả thi hơn sau đại dịch, các quốc gia đều cần tạo được sự cân bằng bền vững hơn giữa tự lực cần thiết và lợi ích của toàn cầu.

Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Peterson, Adam Posen cho rằng, đại dịch sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa những nước giàu và phần còn lại của thế giới. Theo ông, sự phụ thuộc quá mức của lĩnh vực tài chính và thương mại toàn cầu vào đồng đô la Mỹ (USD), sẽ làm gia tăng sự bất mãn toàn cầu. Ngoài ra, "chủ nghĩa dân tộc kinh tế" trong tương lai,cũng dẫn đến nền kinh tế của từng quốc gia ngày càng tự cô lập với thế giới bên ngoài.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, đại dịch sẽ kéo theo những thay đổi kinh tế lớn. Theo đó, quá trình số hóa và tự động hóa nơi làm việc sẽ tăng tốc, nhiều công việc kỹ năng trung bình sẽ biến mất, thành phần GDP sẽ thay đổi, thúc đẩy sự gia tăng việc làm không còn quy cách. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu sẽ gia tăng đối với cảnh sát, lính cứu hỏa, bác sĩ, hậu cần và các ngành dịch vụ quan trọng khác dẫn đến xuất hiện vị trí tuyển dụng mới, tiền lương sẽ tăng lên và nhiều lợi ích khác sẽ được mở rộng"

Tài liệu tham khảo

Minh Anh (2020)           Covid-19 làm kinh tế Mỹ điêu đứng

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200324-covid-19-l%C3%A0m-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-%C4%91i%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9ng

Ousmane Dione (2020) Covid-19 Chất Xúc tác Giúp Việt Nam Đẩy mạnh Chuyển đổi Số?

https://blogs.worldbank.org/vi/eastasiapacific/covid-19-chat-xuc-tac-giup-viet-nam-day-manh-chuyen-doi-so 15.4.2020

 Thanh Hà (2020)     Covid-19 còn nhiều đòn tấn công kinh tế Trung Quốc

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200421-covid-19-c%C3%B2n-nhi%E1%BB%81u-C4%91%C3%B2n-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-kinh-t%E1%BA%BF-trung-qu%E1%BB%91c 21/04/2020

Thanh Hằng (2020) Mô hình kinh tế mới: Thích ứng với mọi cú sốc

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Mo-hinh-kinh-te-moi-Thich-ung-voi-moi-cusoc/393634.vgp21/04/2020

Thu Hằng  (2020)   Virus Corona: Kinh tế Pháp tăng trưởng âm trong năm 2020

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200317-virus-corona-kinh-t%E1%BA%BF-ph%C3%A1p-t%C4%83ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-%C3%A2m-trong-n%C4%83m-2020 ngày: 17/03/2020 –

Thanh Phương (2020)  Khủng hoảng Covid-19: Kinh tế thế giới sẽ hoang tàn đổ nát

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200326-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-covid-19-kinh-t%E1%BA%BF-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-s%E1%BA%BD-hoang-t%C3%A0n-%C4%91%E1%BB%95-n%C3%A1t: 24/03/2020 –