Nuôi vịt vượt khó thời đại dịch

Sức mua yếu hẳn dẫn đến giá trứng vịt tuột thấp, người nuôi vịt ở Bình Định phải giảm chi phí đầu vào để cầm cự qua thời gian khó.

Phước Thắng, xã khu Đông nằm cạnh đầm Thị Nại của huyện Tuy Phước là địa phương có nghề chăn nuôi gia cầm, nhất là nuôi vịt lấy trứng rất mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, nuôi vịt là nghề truyền thống của người dân nơi đây nhờ lợi thế gần đầm Thị Nại. Thời cao điểm tổng đàn vịt của xã có đến 100.000 con, hiện giảm chỉ còn một nửa.

“Nghề nuôi vịt có thu nhập rất cao nên càng ngày càng phát triển mạnh. Người dân Phước Thắng có 2 hình thức nuôi, mua vịt giống về nuôi đến khi vịt đẻ lứa đầu tiên thì bán lại cho những người chuyên nuôi vịt lấy trứng. Cũng có người nuôi từ nhỏ đến khi khai thác hết chu kỳ vịt cho trứng rồi bán vịt xác, xong gây nuôi bầy khác”, ông Hùng cho hay.

Nuôi vịt là nghề truyền thống của người dân vùng hạ bạn xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nuôi vịt là nghề truyền thống của người dân vùng hạ bạn xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Võ Thành Tâm (62 tuổi) có thâm niên 45 năm trong nghề nuôi vịt ở thôn An Lợi (xã Phước Thắng), chia sẻ: “Gia đình tui truyền đời nghề nuôi vịt. Hồi còn nhỏ tui theo cha đưa vịt chạy đồng, đến khi trưởng thành thì làm chủ đàn vịt 4.000 – 5.000 con. Đàn vịt của tui chạy đồng khắp nơi, lên tận Gia Lai, Đăk Lăk. Nghề nuôi vịt cực khổ lắm, lang thang miết ngoài đường, chẳng mấy khi ở nhà. Hầu hết giấc ngủ của những người chuyên nuôi vịt đều ở giữa đồng ruộng, trong cái lán trại che tạm bằng mấy tấm bạt”.

Theo ông Tâm, mùa vụ sản xuất lúa của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chênh nhau. Trước khi đến vụ thu hoạch, chủ vịt đến liên hệ với chính quyền địa phương “mua đồng”, lúa thu hoạch xong là dùng xe tải chuyên dụng chở vịt đến thả, vịt ăn tha hồ ăn lúa rụng sau thu hoạch. Vịt ăn lúa tăng sức đẻ. Bây giờ nuôi vịt chạy đồng đã ít dần vì đã có cám công nghiệp. Từ khi nuôi vịt bằng cám công nghiệp, ít lệ thuộc chạy đồng nên có người nuôi đến 10.000 con.

Vịt chạy đồng đang ăn lúa đổ sau thu hoạch trên cánh đồng lúa 2 vụ/năm của xã Phước Thắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vịt chạy đồng đang ăn lúa đổ sau thu hoạch trên cánh đồng lúa 2 vụ/năm của xã Phước Thắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Bầy vịt 10.000 con thường được chủ nuôi chia thành 3 đàn, mỗi đàn hơn 3.000 con có 2 người chăn dắt. Thuê công chăn vịt có giá khá cao, lương 6,5 triệu/người/tháng, bao ăn bao uống nữa chi phí cho 1 công hết 10 triệu đồng/tháng. Thuê có công chăn vịt không phải chuyện dễ, bởi đây không phải là nghề lao động phổ thông, mà phải là người có chút ít nghề, lại vất vả cực nhọc nên ít có người đi làm”, ông Tâm cho hay.

Ông Tâm chuyên mua vịt giống về thả nuôi, đến khi vịt đẻ lứa đầu tiên là ông bán lại cho những người chuyên nuôi vịt lấy trứng. Theo tính toán của ông Tâm, nếu nuôi 1.000 con, đến khi xuất bán với giá 90.000đ/con thì sẽ có mức lãi 30 – 40 triệu đồng, ai nuôi nhiều hơn thì cứ thế nhân lên. Có thời điểm vịt đẻ lứa đầu tiên có giá đến 110.000đ – 120.000đ/con thì còn lãi to hơn.

Những chiếc ghe chở vẹm cào được dưới sông Ngã Tư cập bờ để bán làm thức ăn cho vịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những chiếc ghe chở vẹm cào được dưới sông Ngã Tư cập bờ để bán làm thức ăn cho vịt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện nay vịt giống có giá khoảng 40.000đ – 50.000đ/con (khoảng 1kg), mua về trong 20 ngày đầu vịt được cho ăn cám, sau 20 ngày bắt đầu trộn lúa vào cám cho chúng ăn. Đến vụ thu hoạch lúa thì cho chúng chạy đồng để giảm chi phí đầu vào, đến khi xuất bán chi phí mỗi con vịt chỉ 40.000đ – 50.000đ thì còn có ăn, chứ nuôi vịt chỉ cho ăn cám với lúa thì đến khi xuất bán giá thành tăng lên đến 70.000đ – 80.000đ/con thì hết lãi.

Người nuôi vịt lấy trứng thì khi sức đẻ của chúng giảm chỉ còn 60 – 70% (1.000 con vịt mỗi ngày chỉ đẻ được 600 – 700 quả trứng) thì ngưng cho ăn cám. Khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng sau, khi vịt thay lông chuẩn bị đẻ lứa sau mới cho chúng ăn cám trở lại. Trước tết giá trứng còn có giá 2.200đ – 2.400đ/quả, hiện chỉ còn 1.800đ/quả nên phải siêng cho vịt đồng để giảm chi phí, nuôi cầm cự chờ hết dịch Covid thị trường thông thoáng mới mong giá trứng tăng trở lại”, ông Tâm tính toán.

Ngoài cho vịt chạy đồng để giảm chi phí thức ăn, vịt nuôi ở Phước Thắng hiện còn được cho ăn con vẹm được khai thác dưới đầm Thị Nại. Theo người dân địa phương, những năm trước đây vẹm dưới đầm Thị Nại còn rất nhiều, người nuôi vịt cho chúng ăn toàn vẹm, lúa chỉ cho ăn dặm. Vẹm là mồi tươi nên vịt ăn vào có sức đẻ rất khỏe, lại ít dịch bệnh.

Vẹm nằm dưới sông đóng thành từng tấm to như chiếc bánh tráng nặng 2 – 3kg/tấm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vẹm nằm dưới sông đóng thành từng tấm to như chiếc bánh tráng nặng 2 – 3kg/tấm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Càng về sau lượng vẹm dưới đầm Thị Nại càng ít đi, nhưng ngày nào trên sông Ngã Tư, ngọn đầm Thị Nại thuộc xã Phước Thắng cũng có nhiều chiếc ghe máy đi cào vẹm để bán cho những người nuôi vịt. Hiện vẹm có giá 3.000đ – 4.000đ/kg. Năm nay vẹm bỗng xuất hiện nhiều, ngoài những chiếc ghe cào, trên sông Ngã Tư còn xuất hiện nhiều chiếc sõng chở người đi lặn hốt vẹm dưới đáy sông. Vẹm không nằm riêng lẻ mà dính chùm với nhau từng mảng to như chiếc bánh tráng (bánh đa), mỗi tấm nặng 2 – 3kg. Khi đập con vẹm rời ra chỉ to như chiếc móng tay, vịt ăn rất gọn.

“Những chiếc ghe máy mỗi ngày đi cào thu được rất nhiều vẹm, riêng những người đi lặn cào hốt vẹm dưới đáy sông Ngã Tư mỗi ngày cũng kiếm 800.000đ – 900.000đ/người”, anh Phan Văn Chạy, một người có nhà ở sát sông Ngã Tư, cho biết.

“Vịt chạy đồng là đối tượng dễ làm lây lan dịch cúm gia cầm từ nơ này sang nơi khác, do đó chúng được giám sát chặt chẽ về công tác tiêm phòng. Bởi, nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm phòng thì ngành chức năng sẽ không cấp giấy kiểm dịch, mà không có giấy kiểm dịch thì chủ nuôi sẽ bị phạt nếu di chuyển đàn vịt chạy đồng”, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bình Định.