Thái Nguyên: Nuôi lợn hữu cơ đảm bảo an toàn dịch bệnh

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi ở Nam Hòa gặp không ít khó khăn do dịch bệnh thì anh Bùi Hải Hà lại có bí quyết giúp đàn lợn của mình luôn khỏe mạnh.

Xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ là một trong nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên có mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn. Từ năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ dịch tả lợn châu Phi rồi dịch Covid-19 khiến việc chăn nuôi của nhiều hộ gặp không ít khó khăn. Có những hộ bị thiệt hại nặng nề, chết cả đàn lợn vài nghìn con nên số lượng lợn ở đây còn lại rất ít.

Anh Bùi Hải Hà ở xóm Mới, xã Nam Hòa là một trong những hộ còn số lượng lợn lớn nhất ở đây tâm sự: Đợt dịch vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến những người chăn nuôi. Tuy nhiên, trước những khó khăn đó, anh đã tìm ra phương pháp và cách thức riêng để đảm bảo an toàn cho đàn lợn của gia đình, hạn chế tối đa thiệt hại.

Đàn lợn của gia đình anh Bùi Hải Hà. Ảnh: Kiều Hải.

Đàn lợn của gia đình anh Bùi Hải Hà. Ảnh: Kiều Hải.

Gia đình anh Hà bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2015, với diện tích chuồng trại khoảng 4.000m2 sàn. Hiện anh nuôi 50 con lợn nái và 500 lợn thịt. Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường đang khan hiếm lợn, anh dự định tới đây sẽ nuôi thêm 30 con lợn nái nữa và mở rộng thêm hệ thống chuồng trại.

Anh Hà là cử nhân ngành chăn nuôi (tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Sẵn kiến thức đã học, anh vận dụng để phát triển chăn nuôi của gia đình. Anh chủ động hoàn toàn việc tự nhân giống nên vật nuôi đảm bảo khỏe mạnh, không bệnh tật.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, gia đình anh phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào, tuyệt đối không để nguồn côn trùng và người lạ vào khu vực chuồng trại, thực hiện theo một quy trình khép kín, từ khâu tiếp nhận thức ăn đầu vào đến quá trình chăm sóc đàn lợn đều được xử lý và kiểm soát hết sức nghiêm ngặt.

Thức ăn chăn nuôi sau khi tiếp nhận sẽ không mang trực tiếp vào khu vực chuồng trại mà được bố trí ở một khu vực riêng để tiến hành khử khuẩn. Sau đó, người mang thức ăn chăn nuôi cũng phải được phun khử trùng nhiều lần trước khi cho lợn ăn. Do kiểm soát tốt được đầu vào nên chất lượng con giống cũng như sức khỏe đàn lợn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Những năm trước đây, việc chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh liên miên khiến lợn bị rớt giá thê thảm. Từ cuối năm 2019 đến nay gia đình anh bắt đầu có lãi từ chăn nuôi lợn và đã cơ bản bù lại được phần thiệt hại trước đó.

Anh Hà chia sẻ: Trung bình anh lãi từ 2,5 – 3 triệu đồng/con lợn khi giá bán ở mức 60.000đ/kg. Còn với giá lợn ở thời điểm này là 90.000đ/kg thì cứ với mỗi con lợn cho 6 triệu đồng tiền lãi.

Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp đàn lợn có sức đề kháng tốt. Ảnh: Kiều Hải.

Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp đàn lợn có sức đề kháng tốt. Ảnh: Kiều Hải.

Hiện gia đình anh Hà đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng để sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất chục tấn mỗi ngày để đảm bảo quy trình chăn nuôi hoàn toàn khép kín, tránh tiếp xúc với bên ngoài để ngăn ngừa dịch bệnh.

Anh đang nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phối trộn với các nguồn thức ăn hữu cơ khác tự sản xuất. Ngoài ra, anh còn sử dụng chế phẩm sinh học Taca để tăng sức đề kháng cho lợn và hoàn toàn không có chất kháng sinh.

Theo anh Hà, việc chăn nuôi hữu cơ về cơ bản không gặp khó khăn mà kiểm soát được đầu vào tốt hơn, nguồn thức ăn sạch và rẻ hơn nhiều. Lợn tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon mà đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Nam Hòa có khoảng 40 mô hình trang trại, gia trại với quy mô lớn. Gia đình anh Hà là một trong số rất ít hộ ở xã không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do làm tốt quy trình phòng ngừa dịch.